Số hóa nghệ thuật đa giác quan trong triển lãm tranh Bùi Xuân Phái

Gần 200 bức tranh của cố họa sỹ được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho người xem.

Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện có tên gọi “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” diễn ra từ ngày 10-31/10 tại Hà Nội. Sự kiện hội tụ những tác phẩm để đời của cố danh họa, tập trung vào 3 mảng tranh: tranh phố Hà Nội, vẽ Chèo, ký họa gia đình và bạn bè.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của những người yêu tranh Bùi Xuân Phái.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của những người yêu tranh Bùi Xuân Phái.

Triển lãm do hoạ sỹ Phạm Trung Hưng, hoạ sỹ Trần Hậu Yên Thế, ông Đặng Minh Vệ, bà Nguyễn Thị Hoà, kỹ sư Lê Huy Thanh Hoàng, ông Võ Thanh Nhã Thanh, kỹ sư Vũ Tá Luân và nhóm nội dung của bảo tàng Hà Nội nghiên cứu thực hiện.

Toàn bộ tác phẩm được cung cấp từ nguồn tư liệu của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các nhà sưu tập, gia đình và bạn bè đương thời của cố họa sỹ.

Ông Tira Vanichtheeranont - nhà sưu tập kỳ cựu tranh Bùi Xuân Phái người Thái Lan ấn tượng với triển lãm.
Ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập kỳ cựu tranh Bùi Xuân Phái người Thái Lan ấn tượng với triển lãm.

Triển lãm sử dụng hàng chục máy chiếu laser mới nhất của hãng Panasonic, đem đến chất lượng hình ảnh với độ sáng cao, ổn định. Công nghệ “projection mapping” giúp chiếu lên các bề mặt phức tạp với các góc chiếu khác nhau, đồng thời kết nối các máy chiếu để tạo ra một chuẩn hình ảnh đồng nhất xuyên suốt không gian triển lãm.

Theo đại diện ban tổ chức, công nghệ 3D mapping và các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI deep learning) trong nhận diện hình ảnh, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại, đã gây nhiều bất ngờ cho khách tham quan.

Bà Đặng Thị Khuê (người tổ chức triển lãm đầu tiên cho Danh hoạ Bùi Xuân Phái vào năm 1984) xúc động khi xem triển lãm đa phương tiện Bùi Xuân Phái với Hà Nội.
Bà Đặng Thị Khuê (áo vàng) – người tổ chức triển lãm đầu tiên cho Danh họa Bùi Xuân Phái vào năm 1984 xem triển lãm đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”.

Các bức tranh gốc của Bùi Xuân Phái đa phần là tranh nhỏ, khi được trình chiếu trong không gian triển lãm, mỗi bức tranh được phóng lớn lên hàng trăm lần nên cần có thiết bị trình chiếu đảm bảo chất lượng, màu sắc, độ sáng và độ phân giải tốt. Màu sắc và bút pháp của Bùi Xuân Phái khi được phóng to hiển lộ các lớp bề mặt rõ nét hơn.

Toàn bộ giải pháp trình chiếu và công nghệ được sử dụng tại triển lãm do công ty Panasonic System Solutions Asia Pacific, công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam, công ty TNHH Sense Art tài trợ thực hiện.

Ông Phạm Trung Hưng – Giám đốc Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn mở rộng quan niệm về tham quan bảo tàng theo cách truyền thống trước đây; thay vì chỉ ‘đến xem’, ‘đến ngắm’ các tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống, khách tham quan được ‘nhúng’ mình vào từng tác phẩm nghệ thuật, được trải nghiệm cảm giác như chính mình là một nhân vật trong đó”.

Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ.
Trải nghiệm công nghệ AI deep learning, vẽ lại chân dung của khách

Các công nghệ trình chiếu hàng đầu của Panasonic đã sử dụng tại nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc tế như Olympic và Paralympic và sắp tới sẽ được sử dụng tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Bùi Xuân Phái là một trong những tên tuổi có công định hình sự phát triển của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trở thành một trong những họa sỹ Đông Nam Á nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

(Nguồn: C.M.Y.K Việt Nam)
https://vnexpress.net/so-hoa-nghe-thuat-da-giac-quan-trong-trien-lam-tranh-bui-xuan-phai-3999935.html?gidzl=vXwwJP4EHo3b1RXAdH5FB-u1iKE1G4ajzLpb5OPC6N3r2h9EWab4SVSEln_G7HDxym2-H6D19Sv